Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Hà Quảng và nỗi niềm cùng sông Vệ



Nguyễn Văn Tỵ

Hà Quảng và nỗi niềm cùng sông Vệ.

                                                                    Lời xưa anh lỡ thốt

                                                                    Em dỗi hờn quay đi

                                                                    Để chiều nay bạc tóc

                                                                    Xa rồi, sông Vệ ơi! 
                                                      (Xa rồi, sông Vệ - Lê Quang Tân)

Với chiều dài hơn 80km, sông Vệ là con sông lớn thứ hai sau sông Trà Khúc trên quê hương Quảng Ngãi. Khởi nguồn từ non cao, sông Vệ chảy qua các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa, đổ ra Cửa Đại, Cổ  Lũy rồi hòa mình vào biển Đông. Cùng với sông Trà Khúc, sông Vệ cũng ghi một dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời và trong thơ bao lớp thi nhân sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy. Nhà thơ Hà Quảng – một người con của Nghĩa Hiệp, nằm ở bờ Bắc sông Vệ đã đem vào trong thơ mình hình ảnh con sông “đầy mộng ảo” cùng một chuyện tình mong manh nhạt nhòa như sông nước quê hương:

Sông Vệ



Em có về thăm sông Vệ

Dòng nước trong thương nhớ đôi bờ

Cô gái nhà bên lấy chồng xứ lạ

Bến sông xưa bao con sóng thẫn thờ



Nương dâu xanh bên triền cát phủ màu

Anh nhớ An Mô chiều hao hanh nắng

Nơi Cửa Lở nước xuôi về biển rộng

Bãi dưa nào ta hái trái tặng nhau



Bao kỷ niệm ùa về xa xăm quá!

Sông Vệ mùa này con nước đầy vơi

Để anh nhớ đêm trăng vàng Vạn Mỹ

Anh ngập ngừng đếm từng giọt sao rơi.



Hai câu đầu của bài thơ:



Em có về thăm sông Vệ

Dòng nước trong thương nhớ đôi bờ

 nghe như một lời nhắn nhủ thân tình nhưng ẩn lấp chút trách thầm và rất nhiều mong ngóng, con nước của sông quê vẫn mãi trong xanh, thương nhớ vẫn thiết tha mong đợi người về, nhưng, dường như giật mình vì hiểu ra một điều gì đó nghiệt ngã, những câu thơ tiếp theo của Hà Quảng đột ngột chùn xuống như một tiếng kêu thầm thảng thốt:

Cô gái nhà bên lấy chồng xứ lạ

Bến sông xưa bao con sóng thẫn thờ

Ước mong và thực tế chênh nhau xa quá, hai câu thơ mang đầy tâm trạng như một thoáng rùng mình của thi nhân khi bất chợt bắt gặp cơn gió lạnh lén ùa qua khe cửa hở, người thương “cô gái nhà bên” đã lấy “chồng xứ lạ” dù sông nước bãi bờ vẫn vẹn nguyên nhớ thương, ai đó bên sông vẫn mòn mỏi nhớ mong nhưng tất cả chỉ còn lại tiếng thở dài đầy tiếc nuối:  “Bến sông xưa bao con sóng thẫn thờ”.

Trong thơ Hà Quảng ta hay bắt gặp những hình ảnh và trạng thái rất thơ, rất nhà thơ: thẫn thờ, ngập ngừng, thao thức, lặng thinh...đâu là khởi nguồn của những rung động ấy? Tại sao nhà thơ kể chuyện mình, kể chuyện tình chưa có bắt đầu mà đã có kết thúc rồi? Hãy nghe thi nhân thủ thỉ trần tình:

                              Nương dâu xanh bên triền cát phủ màu

Anh nhớ An Mô chiều hanh hao nắng 

Nơi Cửa Lở nước xuôi về biển rộng

Bãi dưa nào ta hái trái tặng nhau

Có một thời, khi những người cùng thế hệ như nhà thơ Hà Quảng còn trẻ, những đôi lứa bên bờ sông Vệ yêu nhau mộc mạc thơ mộng lắm: cùng đưa nhau dạo bước qua những nương dâu trải dài hai bên bờ sông, cùng ghé thăm những làng quê thanh bình nơi An Mô, Cửa Lở...Chuyện yêu đương hò hẹn ngày ấy tinh khôi đơn sơ tưởng chừng như xa lạ với bây giờ, đọc thơ tình của Hà Quảng ta ít gặp những thề ước trăm năm mãnh liệt, hiếm hoi những vòng tay ôm xiết thiết tha, ít thấy những cảnh tự tình da diết “dưới trăng đôi trẻ đinh ninh hẹn thề” ít lắm những nụ hôn nồng nàn cháy bỏng mà chỉ có những hồi ức giản đơn, bình thường nhưng đủ để một tình yêu thuở ban sơ chớm nở và làm thành một hoài niệm khó phai : “Bãi dưa nào ta hái trái tặng nhau”.  Kỉ niệm chân quê quá! Câu thơ mộc mạc chân thành quá! Bùi Giáng khi xưa “lùa bò vào đồi sim trái chín” để hái tặng cho người em “đóa mộng đầu”. Vũ Đức Sao Biển  đợi người yêu dưới  “gốc sim già” để  dâng tặng giai nhân “một đóa đẫm tương tư”. Hà Quảng cùng người thương của mình trao nhau những trái dưa trên bãi bờ của sông Vệ...Câu thơ và kỉ niệm thành thực như người làm thơ. Đó là phong cách và cũng là sức hấp dẫn riêng của thơ Hà Quảng.  “Bản chất của thơ là sự thành thực” ( Hoài Thanh) nhưng Hà Quảng đã khéo léo đan xen rất nhiều thơ mộng vào những câu thơ rất thực của mình:

                              Bao kỉ niệm ùa về xa xăm quá

 Sông Vệ mùa này con nước đầy vơi

 Để anh nhớ đêm trăng vàng Vạn Mỹ

Anh ngập ngừng đếm từng giọt sao rơi

Trong tình yêu, bao lứa đôi vẫn hoài trăn trở “ Ai biết tình ai có đậm đà” (Hàn Mặc Tử), Vệ Giang con nước vẫn đầy vơi như bao đời vẫn vậy, kỉ niệm chợt ùa về rồi tan đi trong mù khơi dĩ vãng, thi nhân Hà Quảng chỉ còn kịp lưu lại cho mình bức tranh quê đẹp mơ hồ như ảo ảnh cùng những niềm riêng mà chỉ nhà thơ mới tỏ hết ngọn nguồn :

Để anh nhớ đêm trăng vàng Vạn Mỹ

Anh ngập ngừng đếm từng giọt sao rơi

Quả là “thi trung hữu họa”, bài thơ khép lại nhưng những hoài vọng buâng khuâng cứ thổn thức trong lòng người đọc. “Anh ngập ngừng đếm từng giọt sao rơi”. Câu thơ như những thanh âm cuối cùng của một bài hát, nhỏ dần, nhỏ dần về phía cuối để lại khoảng không tĩnh lặng nhưng tràn ngập những dư âm trong lòng người thưởng thức, sự “ngập ngừng” của Hà Quảng rất giống với nỗi băn khoăn  “xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng?” của một tình khúc:

 Mộng về một đêm xuân xanh

Em thì thầm ngày đó thương anh

Thuyền về một đêm trăng thanh

Xây mộng vàng đậu bến sông xanh

Mộng tràn ngập đêm trăng sao

Sao đầy trời từng chiếc lấp lánh

(Chiếc lá cuối cùng - Tuấn Khanh)

Trong khu vườn thơ viết về dòng sông Vệ thân thương có rất nhiều bài thơ hay, Hà Quảng bằng tình yêu và tài năng của mình đã đóng góp một đóa hoa với hương sắc rất riêng. Và chắc chắn chiếm một vị trí khó quên trong lòng những người yêu thơ, gắn bó với “dòng nước trong thương nhớ đôi bờ” nơi Vệ Giang.

                                                                               Nguyễn Văn Tỵ
                                                       (Cựu sinh viên Trường Đại học KHXH&NV Tp Hồ Chí Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét