Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

HÀ QUẢNG VÀ NHỮNG CƠN MƯA

HÀ QUẢNG VÀ NHỮNG CƠN MƯA
(Một cảm nhận khi đọc “MƯA HOANG” – HÀ QUẢNG)

          Tôi biết Hà Quảng khá muộn màng. Có thể nói là rất muộn khi anh sở hữu trong tay ba tập thơ in riêng. Cái dáng người cao cao và khuôn mặt trầm tư của anh khiến cho tôi và mọi ngươi mới gặp gỡ lần đầu cảm thấy có gì đấy hơi khó gần ... Thế nhưng khi đọc “Mưa hoang”, tập thơ thứ 3 của Hà Quảng, tôi mới vỡ ra rằng bên trong cái vóc dáng đầy trầm tư ấy chứa nhiều lắm sự rung động nội tâm dữ dội. 
          Tôi thích đọc ngược thơ. Có lẽ vì tôi muốn đi ngược chiều với tác giả để tìm thấy cái thông điệp ẩn mình trong câu chữ. Và với “Mưa hoang” cũng vậy, tôi đã đọc ngược tập thơ từ bài cuối về trước.
           Bài “Chiều mùng ba Tết”, Hà Quảng đã để lại trong tôi cái ấn tượng đầu tiên của cái ấm áp đầu xuân khi các em về thăm Thầy cũ. Tiếng cười giòn tan chiều đầu năm tưởng chừng ngọt như kẹo gương ấy được pha thêm chút hương vị của đất trời:
                 “Giọt mưa xuân rơi rơi
                  Trên thềm xưa lối cũ
                  Giọt mưa xuân ấp ủ
                  Giấc mơ nào cho em…” 
            Theo kinh nghiệm của các cụ lão nông thì cơn mưa đầu tiên vào những ngày đón chào năm mới là cơn mưa lành, con mưa báo hiệu một năm đầy an vui và sung túc. Phải chăng Hà Quảng cũng muốn vậy và gửi vào chiều mùng ba Tết một cơn mưa như thế?
            Hà Quảng và những cơn mưa đã dẫn dắt ký ức đi từ miền xa hút với những rung động nội tâm đầy ắp nỗi niềm:
                 “Một chiều mưa bên kia sông Vệ
                   Anh lặng thầm theo ký ức thời gian…” 
                                                (Tiếng mưa rơi)
để rồi Hà Quảng nhớ một thời 
                 “… Em của ngày thuở còn đi học
                  Chiều tan trường trời đổ cơn mưa” 
                                                  (Tiếng mưa rơi)
và … 
                  “Em xa xôi hiện về nơi bến vắng
                   Mưa nhòa từng giọt mưa rơi” 
                                              (Tiếng mưa rơi)
          Thú thật là tôi cũng đã từng ngồi nhìn mưa, nghe mưa nhưng chưa bao giờ thấy “mưa nhòa từng giọt mưa”. Nỗi nhớ ở đây đã được Hà Quảng chồng lên, chất ngất yêu thương. Mưa đi xuyên qua thơ Hà Quảng từ phố thị đến những miền quê:
                “Mưa về trên Đồng Cát
                  Thị trấn nhỏ bình yên…” 
                               (Chiều mưa Đồng Cát)
               
                 “ Một chiều mưa bên kia cầu sông Vệ
                   Anh lặng thầm theo ký ức thời gian…”
Mưa trong “Mưa hoang” đã kéo Hà Quảng đi về miền xa lắc, tận sâu trong miền kí ức:
                   “ Em bỏ quên cơn mưa chiều năm ấy
                      Đường Sài Gòn ngập lối anh đi…”
                                                    (Bao điều muốn nói)
            Để rồi Hà Quảng
                            “…Câu thơ không cánh mà vương
                             Để thương, anh nhớ con đường mưa xưa”
                                                                           ( Mưa xưa)
           Tôi không thích nhặt từng từ, ghép từng chữ của Hà Quảng để tìm cho mình một sự đồng cảm. Nhưng thực sự, Hà Quảng đã lôi mưa đi khắp cuộc hành trình từ tháng ba, tháng bảy đến tận cuối mùa đông
                            “ Mưa tháng bảy sao buồn rười rượi
                              Cầu Ô kia em có đi về…”
                                                                (Mưa tháng bảy)
          Và rồi 
                              “giữa tháng mười rồi em
                               ngoài trời đang đổ cơn mưa”
                                                      (Giữa tháng mười)
           Để rốt ráo lại thì “cơn mưa hoang rong chơi về phía biển” và
                            “Cơn mưa hoang lặng im
                             Em thấy mình đơn côi”
                                                    (Mưa hoang)
             Tôi không là nhà phê bình lý luận văn chương, nên cảm nhận lan man từ những gì “Mưa hoang” mang lại nó không đầu không cuối. Cái bất chợt mưa nắng của Hà Quảng là sự dồn nén ký ức, là sự bùng vỡ của nội tâm mà chẳng biết vô tình hay cố ý mà tác giả đã dắt mưa đi theo kiểu của mình. Sự phân tích kết cấu và ngôn từ thì dành cho các nhà chuyên nghiệp, tôi không dám lạm bàn.
               Đứng về góc độ độc giả, tôi chỉ muốn khép lại bài cảm nhận của mình bằng một câu hỏi thôi. “Vì sao tác giả đặt tên cho tập thơ này là MƯA HOANG mà không phải là MƯA HOAN”
               Chắc chắn Hà Quảng cũng không muốn trả lời câu hỏi này nhưng trong một sat – na nào đó, tôi tin Hà Quảng và những cơn mưa sẽ mang theo nhiều khúc hoan ca tình ái.
                                                                                                 U Minh Thất, 29. 5. 2015
                                                                                                             LÊ NGHỊ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét