Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

THƠ - CÓ CỚ VÀ VÔ CỚ

THƠ - CÓ CỚ VÀ VÔ CỚ
                                                                       
          Sinh ra và lớn lên ở bờ Bắc sông Vệ (Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa). Dạy học và cư trú ở bờ Nam sông Vệ (Đức Nhuận, Mộ Đức). Thơ Hà Quảng bắt nguồn từ đôi bờ sông thao thiết gió ấy. Có lẽ do sống giữa đôi bờ, nên con sông Vệ được Hà Quảng khám phá ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau.
Sinh ra, lớn lên ở đó; dạy học, làm thơ ở đó nên Hà Quảng có điều kiện để quan sát và cảm nhận về kỷ niệm, về hiện thực đôi bờ sông Vệ. Lỡ khi kỷ niệm cạn nguồn, anh lại được tiếp sức bởi lớp lớp học trò trung học phổ thông vô tư, hồn nhiên và mơ mộng. Tất cả đó tác động trực tiếp vào tâm hồn người thầy để bật dậy tiếng thơ trước muôn màu hiện thực. Nếu ai đó thử làm thống kê và nhận ra số lượng bài thơ viết về sông Vệ qua ba tập thơ của anh: “Con sóng tình yêu” (2010), “Thao thức” (2013) và “Mưa hoang” (2015) chiếm một tỷ lệ rất cao cũng đừng nên lấy đó làm ngạc nhiên. Thơ ca truyền thống thường “Tức cảnh sinh tình” mà!
Cũng chính từ xuất phát điểm này, mà về sau khi đi đến vùng quê mới nào, anh cũng có thơ. Nghĩa là lại cũng “Tức cảnh sinh tình” như thế. Viết lời Bạt cho tập “Thao thức” của anh, tôi đã giật tít bài là “Hà Quảng - Thao thức những miền quê”. Chính vì lẽ đó, tôi nhận ra, thơ Hà Quảng nghiêng về “Thơ có cớ”, còn “Thơ vô cớ” xuất phát từ quằn quại nội tâm chính mình, không dựa vào “cái cớ” nào cả thì còn rất ít. Cũng chính vì lẽ đó mà thơ Hà Quảng ít có được những bứt phá nội tâm dữ dội. Ít có những tiếng “nổ ngầm” phát ra từ chính con tim nung nấu của riêng mình. 48 bài thơ trong tập “Mưa hoang” này cũng thế! Hầu hết đều có “cái cớ” của nó. Ví như: “Chiều sông quê”, “Dòng sông quê mẹ”, “Ngày mai em về sông Vệ”, “Chiều mưa Đồng Cát”, “Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc”,“Quy Nhơn ngày về”, “Một thoáng La Gi”, “Nắng phương Nam”… Ở quê thì “có cớ” của tình quê:
Em có biết nơi thôn nghèo bên dòng sông Vệ
Tuổi thơ anh lớn lên theo lớp học trường làng
                                           (Chiều sông quê).
 Đi xa thì “có cớ” của những tình xa:
Mười vòng hoa trên mười ngôi mộ
Mười bát nhang nghi ngút hương trầm  
                    (Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc)…
Cả những bài thơ nếu lướt qua đầu đề tưởng là “vô cớ”, khi đọc kỹ ta vẫn thấy “có cái cớ” của nó:
Anh gặp em một ngày nắng đẹp
trời bình yên
gió sông Trà lặng lẽ
            (Thời gian đừng qua mau)…
“Thơ có cớ” của Hà Quảng dung dị, gần gũi với thi pháp truyền thống, hợp với nghề của anh và được học trò anh đón nhận. Đó là những câu thơ không làm dáng nhưng có dụng công. Phần ý thức của người làm thơ mạnh hơn phần vô thức. Cũng là nhà giáo làm thơ nên tôi rất hiểu cái tâm người thầy trong từng bài thơ Quảng viết. Nhưng hình như, cái người thầy dạy văn Đoàn Văn Khánh (tên thật của anh) có phần “lãnh đạo” người thơ Hà Quảng bằng những “chỉ lệnh” hơi quá khắt khe nên người đọc cứ có cảm giác tiêng tiếc về một sự bứt phá cùng với chút lãng đãng, mơ màng pha đôi chút liêu trai để mặc sức cho con người mơ mộng.
Nói điều này, cũng để xin báo hiệu với anh em rằng, so với hai tập thơ đầu, tập thơ này ta đã thấy hé lộ một Hà Quảng bắt đầu hành trình vào “Thơ vô cớ”, bắt đầu có những bộc vỡ tự nội tâm, tự đào sâu vào chính mình để mộng mơ hơn một chút, phá cách hơn chút nữa, đưa những bài “thơ- rõ-ràng- ý” sang những bài “thơ-cô-đặc-tứ”. Ngay cái tên “Mưa hoang” của tập thơ này đã nói lên điều đó.
Và trong những bài “thơ vô cớ” ấy, ta bắt gặp những câu thơ đẹp và lạ hơn, bắt gặp một Hà Quảng mới:
- chiều về chậm chậm
mấy chú ve sầu giữa tháng tư đi đâu
                                          (Nỗi nhớ)
- Mái tóc của ai thời đi học
Về trong giấc mơ
                      (Em có phải là cô gái ấy?)
- Em ao ước trở thành loài hoa dại
nên thơ anh cũng hóa dại khờ
                                       (Tình anh)
- Ngọn lửa tình vẫn ầm ĩ trong anh
sao anh khao khát chút nắng vàng bên khe suối
                                                   (Ngọn lửa tình)
- Chiều hoang sơ mộng mị
Em đi tìm nghĩa chữ yêu?
                           (Mưa hoang)…
Vâng! Chúng ta tiếp tục mong Hà Quảng có nhiều hơn những phút “hóa dại khờ” và “hoang đàng”; nhiều hơn nữa những “ngọn tình ầm ĩ cháy” cùng những “hoang sơ mộng mị” ngay chính trong lòng mình để chuyển thi pháp từ “có cớ” sang “vô cớ” ngày một thơ hơn.
Xin vui mừng giới thiệu tập thơ thứ ba của Hà Quảng - “Mưa hoang” cùng bạn đọc xa gần!
                                                                          Xóm Chòi Dầu, Nguyên tiêu Ất Mùi, 2015.

                                                                                       Nhà thơ, Tiến sĩ MAI BÁ ẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét