Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

THẢNG THỐT TIẾNG MƯA RƠI TRONG TẬP THƠ “MƯA HOANG” CỦA NHÀ GIÁO, NHÀ THƠ HÀ QUẢNG

THẢNG THỐT TIẾNG MƯA RƠI TRONG TẬP THƠ “MƯA HOANG”
CỦA NHÀ GIÁO, NHÀ THƠ HÀ QUẢNG
Tháng năm, chùm hoa phượng vĩ xòe nở đỏ thắm, tiếng ve râm ram suốt ngày, giờ kiểm tra học kì II, tổng kết năm học ở các trường là thời gian học trò cuối cấp chuẩn bị tạm biệt nhau để bước vào đợt nghỉ hè hoặc thi tuyển vào đại học. Tập thơ “Mưa hoang” của nhà giáo, nhà thơ Hà Quảng được xuất bản giới thiệu với công chúng yêu thơ như đợt gió mát lành, cơn mưa chiều bất chợt… làm nhẹ bước chân bạn đọc giữa ngày hạ nóng bức xứ sở miền Trung.

Đây là tập thơ thứ ba, sau tập thơ: Con sóng tình yêu (2010), Thao thức (2013), với 48 bài thơ với chủ đề quen thuộc về tình yêu quê hương, gia đình, đôi lứa trong thế giới ảo thực. Hà Quảng với độ cảm xúc “chín” ở tứ thơ, các câu chữ và từng bài thơ, ngôn ngữ sử dụng bình dị, chân phương, mộc mạc đôi lúc “phiêu” với chính mình. Anh làm giàu ngôn ngữ thơ với thủ pháp ước lệ, thăng hoa, đầy nhạc điệu. Quê nhà giáo, nhà thơ Hà Quảng ở Năng Xã, Nghĩa Hiệp mà nơi ấy có: “Con đường làng vương vương màu nắng/ Hoa ngọc lan nhà ai… theo gió đi về” (Chiều sông quê), một hình ảnh rất gợi gần gũi thân thương. Ai mà không đi lên từ chính quê hương mình: “anhtựa vào kí ức… anh cảm nhận bao điều/ man mác tình em/ và dòng sông quê mẹ” (Dòng sông quê mẹ). Hình như “cơn mưa” đã day dứt, ám ảnh trong thơ Hà Quảng: “Một chiều mưa bên kia sông Vệ/ Anh lặng thầm theo kí ức thời gian/ Em xa xôi hiện về bên bến vắng/ Mưa nhòa từng giọt mưa rơi…” (Tiếng mưa rơi), hay ta bắt gặp hình ảnh mưa nên thơ: “Mưa về trên Đồng Cát/ Thị trấn nhỏ bình yên/ Để lòng ai nhung nhớ/ Một khoảng trời vô biên…” (Chiều mưa Đồng Cát). Bất chợt nắng, bất chợt mưa, thời tiết cũng nhõng nhẽo, làm mình làm mẩy với Đất và Người: “Cơn mưa hoang rong chơi về phố biển/ Gió nồng nàn gợi dáng thu xưa/ Chùm hoa dại trầm mình trong mưa/ Mưa mùa này thường hay bất chợt…” (Mưa hoang). Sông Vệ, con sông quê hương nhắc anh nhớ lại những kỉ niệm vơi đầy, chuyện con đò bến nước, với lở bồi duyên phận: “Ngày mai em về sông Vệ/ Nhớ thương con sóng vỗ bờ/ Nhớ thương ngày xưa còn đó/ Trăng mờ lạc lõng bơvơ…” (Ngày mai em về sông Vệ). Anh yêu Biển, tình yêu dành cho Biển của Hà Quảng cũng thật thiết tha. Anh có một số bài thơ sáng tác về chủ đề ”Biển đảo” được chọn đăng trên một số báo, tạp chí trong những năm qua. Người lính Hải quân với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió: “Anh lính đảo vững vàng tay súng/ Bảo vệ chủ quyền lãnh hải biên cương.” ((Mùa xuân trên đảo Trường Sa). Tập thơ “Mưa hoang” có một số bài thơ thơ về trường lớp, tình cảm của anh dành cho ngôi trường nơi anh được đào tạo Trường đại học sư phạm Quy Nhơn, nơi ấy: “Hàng me tây góc phố/ Hương sứ nơi giảng đường/ Phòng em hoa giấy nở/ Tâm hồn ai vấn vương?…” (Quy Nhơn ngày về). Mái trường anh đang giảng dạy cho bao thế hệ học sinh nay đã trưởng thành: “Như cánh chim tung khắp mọi miền/ Sau hai mươi năm các em trở về trường cũ/ Thăm thầy cô gặp bạn bè ngày ấy/ Niềm vui dâng tràn sau hai mười năm…”, tình thầy trò ấm áp sẻ chia những kỷ niệm cũ trong ngày hội ngộ. Ở một góc khuất khác, thơ tình của Hà Quảng cũng thật mãnh liệt, thiết tha, có thể là tình yêu đơn phương từ một phía, anh tự hỏi chính mình: “nhưng em biết không: nỗi nhớ/ đang hoành hành/ đang trăn trở/ dông bão lòng anh” (Nỗi nhớ). Những bí mật về tình yêu của anh vẫn còn dấu kín nhưng đối với Thơ thì bộc lộ ra ngoài: “ Em bỏ quên anh cũng chẳng còn nhớ nữa/ Chiều đơn côi lặng lẽ áng mây chiều/ Chiều đơn côi ai tìm nghĩa chữ yêu/ Còn bí ẩn bao điều chưa nói.” (Bao điều chưa nói). Khác với dáng vẻ đạo mạo mô phạm của một nhà giáo, kỷ niệm cũ ở anh luôn ùa về, những vùng đất và con người anh từng đi qua, luôn yêu thương chân tình đầy cảm xúc: “trời Quảng Ngãi giăng giăng mây tím/ em dịu hiền man mác dáng thu/ trong khoảng lặng thinh/ chiếc đồng hồ/ tíc tắc/ tíc tắc/ từng tiếng buông rơi…” (Thời gian đừng qua mau).
Khép lại tập thơ “Mưa hoang” của Hà Quảng, bạn đọc sẽ được cảm nhận với những bài thơ nhẹ nhàng hoặc tìm cho mình những lý giải thú vị của tác giả về tình yêu “mưa”, dù là mưa “hoang”. Thảng thốt tiếng mưa rơi, những rung cảm về tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa… trong tập thơ sẽ lắng đọng lại trong mỗi chúng ta sau khi đọc hết tập thơ./.
Sông Vệ,14/5/2015
HỒ NGHĨA PHƯƠNG

2 nhận xét:

  1. Phải có cảm xúc và tình yêu với đất trời lắm, mới có thể cảm nhận tiếng mưa, và viết về nó, anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em ghé thăm và có lời nhận xét đúng em à!

      Xóa