Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

SAU CƠN “MƯA HOANG” LÀ THĂM THẲM NIỀM THƯƠNG, NỖI NHỚ…

SAU CƠN “MƯA HOANG” LÀ THĂM THẲM NIỀM THƯƠNG, NỖI NHỚ…

(Cảm xúc sau khi đọc tập thơ” Mưa hoang”- Hà Quảng- NXB Văn học, 2015)


Khi đọc một tác phẩm văn học, điều tôi chú ý đầu tiên là nhan đề của tác phẩm đó. Nói như Đào Ngọc Đệ: Nhan đề “như gương mặt của một con người; nó là cái nổi bật nhất để phân biệt tác phẩm này với tác phẩm khác
Như người bố, người mẹ phải nghĩ suy trăn trở lựa chọn  khi đặt tên cho đứa con thân yêu của mình, nhan đề mỗi bài (hay tập) thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết…đều thể hiện sự lao động nghệ thuật của tác giả đối với đứa con tinh thần của mình. Khi ta bắt gặp những nhan đề cũ mèm thể hiện sự lười biếng trong lao động nghệ thuật, tự dưng cảm thấy mất hứng không muốn đọc tiếp tập thơ (hay tập truyện) ấy nữa.
Giữa hàng chục tập sách mới được bạn bè xa gần biếu tặng, tôi chú ý đến tập thơ của tác giả Hà Quảng cũng bởi cái tít khá lạ và độc đáo của anh “Mưa hoang”.
“Cơn mưa hoang rong chơi về phố biển
                             Gió nồng nàn gợi dáng thu xưa.”
           (Mưa hoang)
Bằng nghệ thuật  tu từ nhân hóa, tác giả khiến người đọc thú vị khi hình dung ra “cơn mưa hoang” như một chàng lãng tử trẻ tuổi nghịch ngợm, ưa xê dịch. Một chút phiêu diêu, một chút mộng mơ tạo nên sự liên tưởng hư thực, bảng lảng giữa thiên nhiên và trạng thái tinh thần của con người:
“ Em lại tìm em trong ngút ngàn ngày tháng cũ
Em thấy bóng dáng mình bên chùm hoa dại
Em thả hồn trong nắng gió yêu thương
Em dệt vần thơ từng  sợi tơ vương
Thảng thốt chiều nay sao dài nỗi nhớ…”
(Mưa hoang)
Trong toàn tập thơ, tác giả dành nhiều thời gian ưu ái viết về tình yêu đôi lứa:
“ mái tóc bay trong chiều lộng gió
phủ xuống câu thơ ngọt mềm”
(Mái tóc em)
Tác giả đã  khéo léo sử dụng biện pháp tu từ nghệ thuật hoán dụ “mái tóc” theo phương thức chuyển nghĩa để nói về một bóng hồng mà anh hằng nhung nhớ. “Mái tóc” đó “bay trong chiều lộng gió”, rồi tìm điểm dừng thật nhẹ nhàng, êm ả “phủ xuống câu thơ ngọt mềm”.  
“Câu thơ ngọt mềm”. Câu thơ nhờ có hình ảnh mái tóc trở nên dịu dàng, êm ái, đáng yêu xiết bao! Sự chuyển  đổi cảm giác trong thơ từ thị giác đến vị giác, xúc giác, thính giác và  đến cả linh giác. Bao kỷ niệm thân thương ùa  về “mái tóc” như “câu thơ mượt mà”- mái tóc “ thơm hương dịu dàng” là cái cớ để người thơ ấy vấn vương một mối tình trong hoài niệm thẳm sâu…
“ Vần thơ anh viết có tình em
Mái tóc em bay trong gió chiều
Có hương sen tỏa trong hơi thở
Ánh mắt lặng thầm…bao lời yêu”
(Em của tình thơ)
Người đẹp không chỉ hiện lên trong thơ Hà Quảng bằng hình ảnh hoán dụ chọn lọc “mái tóc” mà còn bằng hình ảnh hoán dụ “đôi mắt” nữa:
“ ánh mắt của suy tưởng
của đắm say
cháy bỏng cơn khát
…đôi mắt em
hoang sơ màu tư tưởng
xanh niềm mơ ước
xanh lòng khát khao”
                                           (Cơn khát mắt em)
Vẻ đẹp của  đôi mắt ấy không chỉ dừng ở cái nhìn sáng trong, cháy bỏng “như vì sao lấp lánh/ ánh lửa bập bùng” bề ngoài  nữa mà nó đã thể hiện rõ vẻ đẹp nội tâm, vẻ đẹp trí tuệ của em rồi. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Tôi yêu những câu thơ có chiều sâu như thế trong “Mưa hoang” của Hà Quảng:
“ Một chút giận, một chút hờn lăn trên mắt em
Anh bỗng thấy câu thơ tình nặng niềm trăn trở…”
(Một chút giận, một chút hờn)
“ Em mềm mại dễ thương
như vầng trăng tỏa sáng
tỏa sáng vần thơ
tỏa sáng ước mơ
mà sao cũng là bão?
anh bị tấn công
anh bị bao vết thương
bị nỗi nhớ dày vò
anh không chống nổi !
…chiều loang tím
trĩu nặng
bão từ phía em ! »
                                         (Bão từ phía em)
Từ cơn bão Haiyan có thật trong đời, tác giả liên tưởng đến cơn bão «từ phía em» -người con gái «mềm mại dễ thương» với vẻ đẹp tâm hồn thánh thiện «như vầng trăng tỏa sáng». Thoạt nghe tưởng chừng như vô lí nhưng càng ngẫm càng thấy thật hợp lô gic: Chính vì em đẹp thế, em thánh thiện đến thế mới làm lòng anh nổi giông nổi bão bởi «nỗi nhớ dày vò/ anh không chống nổỉ». Đó là cách nói hình tượng đầy chất thơ.
Câu thơ tả tâm trạng này cũng rất gợi :
«em nhìn mưa qua cửa sổ
Chiếc lá vàng lảo đảo
Gợi nỗi niềm yêu thương»
(Sài Gòn bất chợt)
Câu thơ nhân hóa «chiếc lá vàng lảo đảo» khiến ta liên tưởng đến kiếp người mỏng manh «sắc sắc không không» như lá vàng trước cơn mưa gió của cuộc đời; lòng lại thầm mong cho đi và nhận lại thật nhiều yêu thương trong cuộc sống hữu hạn của con người…
Bên cạnh chủ đề chính viết về tình yêu đôi lứa, Hà Quảng cũng dành dụm thời gian viết về tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước. Tình yêu gia đình, quê hương, đất nước trong thơ anh gần gũi thân thương và hòa quyện khăng khít, thắm thiết. Không gian thơ mở rộng đa chiều: từ cơn «Mưa xưa» qua  «Chiều mưa Đồng Cát»; từ «Dòng sông quê mẹ» đến «sông Thoa», «sông Dinh»; từ giọt «Nắng phương Nam» đến «Đôi miền thương nhớ»…đâu đâu ta cũng bắt gặp những hình ảnh thân thương, trìu mến, thiên nhiên ấp ủ tâm hồn người :
« Cơn mưa chiều lãng đãng
Dòng sông Thoa thì thầm…”
“ Nắng  phương Nam hay tình em là nắng
Nắng dịu hiền mang màu sắc rất riêng
Nắng phương Nam gợi bao điều khao khát
Cứ dập dờn như con sóng triền miên…”
Rất nhiều người đã làm thơ ca ngợi: Mười cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc nhưng Hà Quảng có cách thể hiện riêng. Vẫn bằng  thủ pháp tu từ hoán dụ, tác giả dụng công đặc tả về mái tóc- mái tóc của những nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước:
“ mái tóc vương vương màu đất
mái tóc vương vương màu khói bom
cây bồ kết trĩu quả tỏa hương
cái lược, cái gương của thời con gái…”
(Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc)
Không chỉ mở rộng phạm vi thơ ở không gian đa chiều, Hà Quảng cũng rất chú ý đến thời gian trong thơ: quá khứ- hiện tại- tương lai  luôn đan cài, trăn  trở trong thơ anh. Sau hai mươi năm xa cách, thầy  trò gặp lại nhau tại ngôi trường cũ, thầy giáo  rưng rưng quan sát các em đi tìm lại bóng dáng, nụ cười, tiếng nói của mình “còn đọng đâu đây nơi lớp học sân trường”. Không có tấm lòng yêu nghề mến trẻ sâu sắc, không thể viết được những câu thơ chân mộc, nặng tình như thế này:
“ Những mái đầu xanh nhuộm vài sợi bạc
Cuộc sống mỗi người nhiều nét đổi thay
Chúng ta vẫn nhận ra bao điều ngày ấy
Niềm yêu thương còn lắng đọng đến giờ!”
(Sau hai mươi năm)
Mùa xuân- thời gian khởi đầu một năm, cả nước dành sự quan tâm cho những người lính trẻ đang ngày đêm canh giữ bảo vệ biển đảo Trường Sa:
“Người dân biết các anh còn nhiều thiếu thốn
Gửi món quà quê mẹ thắm yêu thương
Người vợ gửi cho chồng bằng tình yêu chung thủy
Đứa con thơ gửi cha cái hôn nồng nàn sữa mẹ…”
Tác giả thấm thía một điều:  món quà các  anh bộ đội Trường Sa cần nhất không phải là giá trị vật chất mà là tình cảm thân thương, trìu mến, chung thủy…từ đất liền dành cho anh, giúp anh có thêm động lực “vững vàng tay súng, bảo vệ chủ quyền lãnh hải biên cương”.
Mùng ba Tết, học sinh đến thăm thầy cũng làm cho tác giả rưng rưng cảm động:
“Chén trà xuân lan tỏa
Không gian tràn nhớ thương
Hương xuân gợi vấn vương
Biết bao điều muốn nói”
(Chiều mùng ba Tết)
Mỗi khoảnh khắc thời gian đi qua cuộc đời cũng chạm vào tâm hồn đa cảm ấy miên man nỗi nhớ
“tháng ba rồi không biết sao đây
nỗi nhớ chất chồng nỗi nhớ
sao nhớ thương không lối đợi
                               vương vương tóc em nồng nàn”
(Chút nắng tháng ba)
 Giọt mưa tháng bảy  trong thơ anh cũng vương mang sầu nhớ:
“ Giọt mưa nào rơi bên kia sông
Để giọt bên này nhớ nhung sâu nặng”
(Mưa tháng bảy)
Rồi một  đêm tháng mười huyền ảo:
“ anh vịn vào ánh trăng
ánh trăng khuya mềm mại như nỗi nhớ không tên
trĩu nặng bao niềm khát khao…”
( Giữa tháng mười)
Có một mùa thu người thơ ấy ra thăm Hà Nội “thành phố cổ kính trong sắc màu hiện đại”, ngắm hồ Gươm “lăn tăn con sóng” êm dịu, sao anh vẫn cảm thấy như những con sóng ấy:
“Vỗ vào lòng anh
Cứa vào da thịt anh
Nỗi nhớ”
( Mùa thu Hà Nội)
Hơi phóng đại một chút khi nói con sóng lăn tăn nơi Hồ gươm thơ mộng kia lại có sức mạnh “cứa vào da thịt anh nỗi nhớ”. Nhưng nếu đọc kỹ từng bài thơ trong tập  thơ” Mưa hoang” của Hà Quảng, mới hiểu người thơ này luôn mượn cảnh tả tình và  cảm nhận của anh là hoàn toàn chân thực , bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du).
Thơ Hà Quảng giàu cảm xúc và mang đầy tâm trạng ưu tư hoài niệm:
“ Chiều nay cơn gió liêu xiêu
Còn không nỗi nhớ những chiều mưa xưa?”
                          (Mưa xưa)
Dẫu có mộng mơ, hoài cổ đến mấy, người thơ ấy vẫn rất tỉnh táo sống cho hiện tại và hướng đến tương lai với cái nhìn lạc quan, yêu đời. Bóc tờ lịch cuối cùng của năm cũ, treo lên tường một bloc lịch mới, anh tự hỏi mình:
“Ta làm được gì sau mỗi bước thời gian”
                       (Tờ lịch)
Anh ước mong cho mình và  cho mọi người cuộc sống ngày càng mới mẻ, tươi trẻ. Đó là thái độ sống của một người đầy lòng tự trọng, biết làm chủ bản thân và làm chủ cuộc đời.
Gấp cuốn sách lại, trong tôi vẫn còn đọng lại dư ba cơn “mưa hoang” phiêu lãng xuyên suốt chủ đề của tập thơ Hà Quảng.Tôi biết anh là một thầy giáo dạy văn cấp ba. Đó là một lợi thế để người thơ không chuyên này áp dụng các biện pháp tu từ về từ vựng (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ…) làm cho nghệ thuật chuyển tải nội dung thơ thêm phong phú, đa dạng. Một ưu điểm về nghệ thuật nữa trong tập thơ này là tác giả  đã sử dụng linh hoạt các thể thơ tự do, thơ năm chữ,  thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ lục bát… khá nhuần nhuyễn, giàu âm thanh, hình ảnh, nhạc điệu. Tôi biết có nhiều người viết thơ không chuyên ở lứa tuổi 5x, 6x thường mắc phải cái lỗi viết thơ theo lối mòn, lặp lại nội dung, cách viết của người khác và lặp lại chính mình. Rất may, Hà Quảng không mắc phải cái lỗi ấy.
Nếu có điều gì mong mỏi hơn ở thơ Hà Quảng, tôi  mong anh dồn nén cảm xúc trong từng câu chữ hơn nữa, tạo được nhiều câu thơ “ý tại ngôn ngoại” hơn nữa…Và tôi cũng rất tán đồng  với ý kiến xác đáng của nhà thơ Mai Bá Ấn: ”…Chúng ta tiếp tục mong Hà Quảng có nhiều hơn những phút “hóa dại khờ” và “hoang đàng”; nhiều hơn nữa những “ngọn tình âm ỉ cháy” cùng những “hoang sơ mộng mị” ngay chính trong lòng mình để chuyển thi pháp từ “có cớ” sang “vô cớ” ngày một thơ hơn”.
Sìn Hồ, ngày 25. 6. 2015.
Bùi Thị Sơn
(Hội viên Hội VHNT tỉnh Lai Châu- Hội viên Hội VHNT Các Dân tộc Thiểu số Việt Nam- Hội viên CLB Thơ Việt Nam.)
 
 
 
 
 
 

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Khi em giận

Hà Quảng

Khi em giận

Khi em giận Mặt Trời buồn đi ngủ
Anh bơ vơ lạc lỏng chốn không em
Chốn không em sao cô đơn đến vậy?
Con đường tình nỗi nhớ bỗng dài thêm

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

HÀ QUẢNG VÀ NHỮNG CƠN MƯA

HÀ QUẢNG VÀ NHỮNG CƠN MƯA
(Một cảm nhận khi đọc “MƯA HOANG” – HÀ QUẢNG)

          Tôi biết Hà Quảng khá muộn màng. Có thể nói là rất muộn khi anh sở hữu trong tay ba tập thơ in riêng. Cái dáng người cao cao và khuôn mặt trầm tư của anh khiến cho tôi và mọi ngươi mới gặp gỡ lần đầu cảm thấy có gì đấy hơi khó gần ... Thế nhưng khi đọc “Mưa hoang”, tập thơ thứ 3 của Hà Quảng, tôi mới vỡ ra rằng bên trong cái vóc dáng đầy trầm tư ấy chứa nhiều lắm sự rung động nội tâm dữ dội. 
          Tôi thích đọc ngược thơ. Có lẽ vì tôi muốn đi ngược chiều với tác giả để tìm thấy cái thông điệp ẩn mình trong câu chữ. Và với “Mưa hoang” cũng vậy, tôi đã đọc ngược tập thơ từ bài cuối về trước.
           Bài “Chiều mùng ba Tết”, Hà Quảng đã để lại trong tôi cái ấn tượng đầu tiên của cái ấm áp đầu xuân khi các em về thăm Thầy cũ. Tiếng cười giòn tan chiều đầu năm tưởng chừng ngọt như kẹo gương ấy được pha thêm chút hương vị của đất trời:
                 “Giọt mưa xuân rơi rơi
                  Trên thềm xưa lối cũ
                  Giọt mưa xuân ấp ủ
                  Giấc mơ nào cho em…” 
            Theo kinh nghiệm của các cụ lão nông thì cơn mưa đầu tiên vào những ngày đón chào năm mới là cơn mưa lành, con mưa báo hiệu một năm đầy an vui và sung túc. Phải chăng Hà Quảng cũng muốn vậy và gửi vào chiều mùng ba Tết một cơn mưa như thế?
            Hà Quảng và những cơn mưa đã dẫn dắt ký ức đi từ miền xa hút với những rung động nội tâm đầy ắp nỗi niềm:
                 “Một chiều mưa bên kia sông Vệ
                   Anh lặng thầm theo ký ức thời gian…” 
                                                (Tiếng mưa rơi)
để rồi Hà Quảng nhớ một thời 
                 “… Em của ngày thuở còn đi học
                  Chiều tan trường trời đổ cơn mưa” 
                                                  (Tiếng mưa rơi)
và … 
                  “Em xa xôi hiện về nơi bến vắng
                   Mưa nhòa từng giọt mưa rơi” 
                                              (Tiếng mưa rơi)
          Thú thật là tôi cũng đã từng ngồi nhìn mưa, nghe mưa nhưng chưa bao giờ thấy “mưa nhòa từng giọt mưa”. Nỗi nhớ ở đây đã được Hà Quảng chồng lên, chất ngất yêu thương. Mưa đi xuyên qua thơ Hà Quảng từ phố thị đến những miền quê:
                “Mưa về trên Đồng Cát
                  Thị trấn nhỏ bình yên…” 
                               (Chiều mưa Đồng Cát)
               
                 “ Một chiều mưa bên kia cầu sông Vệ
                   Anh lặng thầm theo ký ức thời gian…”
Mưa trong “Mưa hoang” đã kéo Hà Quảng đi về miền xa lắc, tận sâu trong miền kí ức:
                   “ Em bỏ quên cơn mưa chiều năm ấy
                      Đường Sài Gòn ngập lối anh đi…”
                                                    (Bao điều muốn nói)
            Để rồi Hà Quảng
                            “…Câu thơ không cánh mà vương
                             Để thương, anh nhớ con đường mưa xưa”
                                                                           ( Mưa xưa)
           Tôi không thích nhặt từng từ, ghép từng chữ của Hà Quảng để tìm cho mình một sự đồng cảm. Nhưng thực sự, Hà Quảng đã lôi mưa đi khắp cuộc hành trình từ tháng ba, tháng bảy đến tận cuối mùa đông
                            “ Mưa tháng bảy sao buồn rười rượi
                              Cầu Ô kia em có đi về…”
                                                                (Mưa tháng bảy)
          Và rồi 
                              “giữa tháng mười rồi em
                               ngoài trời đang đổ cơn mưa”
                                                      (Giữa tháng mười)
           Để rốt ráo lại thì “cơn mưa hoang rong chơi về phía biển” và
                            “Cơn mưa hoang lặng im
                             Em thấy mình đơn côi”
                                                    (Mưa hoang)
             Tôi không là nhà phê bình lý luận văn chương, nên cảm nhận lan man từ những gì “Mưa hoang” mang lại nó không đầu không cuối. Cái bất chợt mưa nắng của Hà Quảng là sự dồn nén ký ức, là sự bùng vỡ của nội tâm mà chẳng biết vô tình hay cố ý mà tác giả đã dắt mưa đi theo kiểu của mình. Sự phân tích kết cấu và ngôn từ thì dành cho các nhà chuyên nghiệp, tôi không dám lạm bàn.
               Đứng về góc độ độc giả, tôi chỉ muốn khép lại bài cảm nhận của mình bằng một câu hỏi thôi. “Vì sao tác giả đặt tên cho tập thơ này là MƯA HOANG mà không phải là MƯA HOAN”
               Chắc chắn Hà Quảng cũng không muốn trả lời câu hỏi này nhưng trong một sat – na nào đó, tôi tin Hà Quảng và những cơn mưa sẽ mang theo nhiều khúc hoan ca tình ái.
                                                                                                 U Minh Thất, 29. 5. 2015
                                                                                                             LÊ NGHỊ


THƠ - CÓ CỚ VÀ VÔ CỚ

THƠ - CÓ CỚ VÀ VÔ CỚ
                                                                       
          Sinh ra và lớn lên ở bờ Bắc sông Vệ (Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa). Dạy học và cư trú ở bờ Nam sông Vệ (Đức Nhuận, Mộ Đức). Thơ Hà Quảng bắt nguồn từ đôi bờ sông thao thiết gió ấy. Có lẽ do sống giữa đôi bờ, nên con sông Vệ được Hà Quảng khám phá ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau.
Sinh ra, lớn lên ở đó; dạy học, làm thơ ở đó nên Hà Quảng có điều kiện để quan sát và cảm nhận về kỷ niệm, về hiện thực đôi bờ sông Vệ. Lỡ khi kỷ niệm cạn nguồn, anh lại được tiếp sức bởi lớp lớp học trò trung học phổ thông vô tư, hồn nhiên và mơ mộng. Tất cả đó tác động trực tiếp vào tâm hồn người thầy để bật dậy tiếng thơ trước muôn màu hiện thực. Nếu ai đó thử làm thống kê và nhận ra số lượng bài thơ viết về sông Vệ qua ba tập thơ của anh: “Con sóng tình yêu” (2010), “Thao thức” (2013) và “Mưa hoang” (2015) chiếm một tỷ lệ rất cao cũng đừng nên lấy đó làm ngạc nhiên. Thơ ca truyền thống thường “Tức cảnh sinh tình” mà!
Cũng chính từ xuất phát điểm này, mà về sau khi đi đến vùng quê mới nào, anh cũng có thơ. Nghĩa là lại cũng “Tức cảnh sinh tình” như thế. Viết lời Bạt cho tập “Thao thức” của anh, tôi đã giật tít bài là “Hà Quảng - Thao thức những miền quê”. Chính vì lẽ đó, tôi nhận ra, thơ Hà Quảng nghiêng về “Thơ có cớ”, còn “Thơ vô cớ” xuất phát từ quằn quại nội tâm chính mình, không dựa vào “cái cớ” nào cả thì còn rất ít. Cũng chính vì lẽ đó mà thơ Hà Quảng ít có được những bứt phá nội tâm dữ dội. Ít có những tiếng “nổ ngầm” phát ra từ chính con tim nung nấu của riêng mình. 48 bài thơ trong tập “Mưa hoang” này cũng thế! Hầu hết đều có “cái cớ” của nó. Ví như: “Chiều sông quê”, “Dòng sông quê mẹ”, “Ngày mai em về sông Vệ”, “Chiều mưa Đồng Cát”, “Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc”,“Quy Nhơn ngày về”, “Một thoáng La Gi”, “Nắng phương Nam”… Ở quê thì “có cớ” của tình quê:
Em có biết nơi thôn nghèo bên dòng sông Vệ
Tuổi thơ anh lớn lên theo lớp học trường làng
                                           (Chiều sông quê).
 Đi xa thì “có cớ” của những tình xa:
Mười vòng hoa trên mười ngôi mộ
Mười bát nhang nghi ngút hương trầm  
                    (Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc)…
Cả những bài thơ nếu lướt qua đầu đề tưởng là “vô cớ”, khi đọc kỹ ta vẫn thấy “có cái cớ” của nó:
Anh gặp em một ngày nắng đẹp
trời bình yên
gió sông Trà lặng lẽ
            (Thời gian đừng qua mau)…
“Thơ có cớ” của Hà Quảng dung dị, gần gũi với thi pháp truyền thống, hợp với nghề của anh và được học trò anh đón nhận. Đó là những câu thơ không làm dáng nhưng có dụng công. Phần ý thức của người làm thơ mạnh hơn phần vô thức. Cũng là nhà giáo làm thơ nên tôi rất hiểu cái tâm người thầy trong từng bài thơ Quảng viết. Nhưng hình như, cái người thầy dạy văn Đoàn Văn Khánh (tên thật của anh) có phần “lãnh đạo” người thơ Hà Quảng bằng những “chỉ lệnh” hơi quá khắt khe nên người đọc cứ có cảm giác tiêng tiếc về một sự bứt phá cùng với chút lãng đãng, mơ màng pha đôi chút liêu trai để mặc sức cho con người mơ mộng.
Nói điều này, cũng để xin báo hiệu với anh em rằng, so với hai tập thơ đầu, tập thơ này ta đã thấy hé lộ một Hà Quảng bắt đầu hành trình vào “Thơ vô cớ”, bắt đầu có những bộc vỡ tự nội tâm, tự đào sâu vào chính mình để mộng mơ hơn một chút, phá cách hơn chút nữa, đưa những bài “thơ- rõ-ràng- ý” sang những bài “thơ-cô-đặc-tứ”. Ngay cái tên “Mưa hoang” của tập thơ này đã nói lên điều đó.
Và trong những bài “thơ vô cớ” ấy, ta bắt gặp những câu thơ đẹp và lạ hơn, bắt gặp một Hà Quảng mới:
- chiều về chậm chậm
mấy chú ve sầu giữa tháng tư đi đâu
                                          (Nỗi nhớ)
- Mái tóc của ai thời đi học
Về trong giấc mơ
                      (Em có phải là cô gái ấy?)
- Em ao ước trở thành loài hoa dại
nên thơ anh cũng hóa dại khờ
                                       (Tình anh)
- Ngọn lửa tình vẫn ầm ĩ trong anh
sao anh khao khát chút nắng vàng bên khe suối
                                                   (Ngọn lửa tình)
- Chiều hoang sơ mộng mị
Em đi tìm nghĩa chữ yêu?
                           (Mưa hoang)…
Vâng! Chúng ta tiếp tục mong Hà Quảng có nhiều hơn những phút “hóa dại khờ” và “hoang đàng”; nhiều hơn nữa những “ngọn tình ầm ĩ cháy” cùng những “hoang sơ mộng mị” ngay chính trong lòng mình để chuyển thi pháp từ “có cớ” sang “vô cớ” ngày một thơ hơn.
Xin vui mừng giới thiệu tập thơ thứ ba của Hà Quảng - “Mưa hoang” cùng bạn đọc xa gần!
                                                                          Xóm Chòi Dầu, Nguyên tiêu Ất Mùi, 2015.

                                                                                       Nhà thơ, Tiến sĩ MAI BÁ ẤN